LỊCH SỬ HÌNH THÀNH BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỒNG THÁP
Quận Cao Lãnh được thành lập từ năm 1914, nhưng mãi đến năm 1920 vẫn chưa có Bệnh viện để chữa bệnh cho nhân dân. Thỉnh thoảng có bác sĩ và y tá ở Tỉnh lỵ Sađéc đến Cao Lãnh để chủng ngừa cho nhân dân các bệnh như: đậu mùa, dịch tả - trừ những người dùng thuốc bắc hoặc thuốc nam - còn ai muốn điều trị bằng thuốc tây thì phải đi xuống Sađéc cách xa 20-30 cây số. Nhưng lúc đó nhân dân ta không có phương tiện để đi. Do đó ông Lê Quang Hiền - người làng Mỹ Trà, Quận Cao Lãnh là một trong những điền chủ giàu có, đã hiến cho chính quyền địa phương một miếng đất để xây cất nhà thương (hiện nay là phòng khám dịch vụ BVĐK tại P2, TP Cao Lãnh). Ông còn giúp phương tiện để lắp bằng những chỗ đất trũng và ông cùng một số bà con quyên góp một số tiền tổng cộng 7.979 đồng để xây dựng Bệnh viện.
Nhờ vậy, chính quyền địa phương mới bắt đầu xây cất Bệnh viện Cao Lãnh và năm 1923 với một căn nhà vừa làm nơi khám bệnh, chích thuốc vừa làm bảo sanh, trong đó có 10 giường để bệnh nhân nằm.
Người Giám đốc đầu tiên là Y sĩ Đông Dương Nguyễn Văn Trân, người làng Mỹ Trà. Tiếp đến là các ông Y sĩ Luông, Y sĩ Chẩn, Y sĩ Hiếu thay nhau quản lý Bệnh viện cho đến năm 1945 ông Nguyễn Văn Tấn - Y tá quốc gia quản lý Bệnh viện. Ngày 25/8/1945 chính quyền thuộc về nhân dân, Ủy ban nhân dân quản lý cả cơ sở điều trị. Đến ngày 04/02/1946, Ủy ban nhân dân rút lui vào chiến khu Tháp Mười, Pháp trở lại chiếm đóng Cao Lãnh và cử ông Nguyễn Văn Tấn - Y tá quốc gia quản lý Bệnh viện đến năm 1954.
Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, Bệnh viện được đơn vị Quân Y của Quân khu VIII quản lý phục vụ cho nhân dân và có đơn vị quản đôn trong 3 tháng tập kết tại bến tàu Cao Lãnh.
Tháng 11 năm 1954 đến 1955, Quận Cao Lãnh trở thành Tỉnh lỵ Phong Thạnh dưới thời Ngô Đình Diệm, Bệnh viện Cao Lãnh được xây cất thêm 2 dãy nhà để làm trại bệnh do Y tá quốc gia Phạm Quang Trí quản lý. Đến năm 1956, Tỉnh lỵ Phong Thạnh đổi lại thành Tỉnh lỵ Kiến Phong, Y sĩ Đông Dương - Dương Thúc Huy quản lý. Đến năm 1957, Bác sĩ Nguyễn Phước An tốt nghiệp ở Pháp về làm Giám đốc Bệnh viện Kiến Phong. Lúc bấy giờ toàn Bệnh viện được 36 giường bệnh. Năm 1964, Bác sĩ Nguyễn Phước An đổi đi, Y sĩ Dương Thúc Huy trở lại làm Giám đốc một lần nữa. Đến năm 1965, Bác sĩ Trần Văn Quang về làm Giám đốc Bệnh viện.
Năm 1966, Bác sĩ Trần Văn Thuần là Trưởng ty Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện Kiến Phong.
Năm 1967, khởi công xây cất lại Bệnh viện và hoàn thành năm 1970.
Bộ phận Quân y dời về Bệnh viện Dân Y Kiến Phong.
Bệnh viện Kiến Phong được đổi lại là Bệnh viện Phối hợp Quân Y Kiến Phong, gồm 150 giường ở các trại bệnh dân và quân y do Bác sĩ Hồ Huỳnh Ký làm Giám đốc.
Từ năm 1970 - 1975 không xây dựng gì thêm. Trong khí thế tổng tấn công tháng 4 năm 1975, 20 giờ ngày 30/4/1975, Bác sĩ Trần La Phụng - Phó Ban Dân Y Kiến Phong trưởng đoàn ra tiếp quản Bệnh viện Cao Lãnh. Toàn bộ tài sản, thuốc nam, vật liệu đều nguyên vẹn; tất cả Y - Bác sĩ, nhân viên đều trở lại làm việc. Đất nước được thanh bình, Bệnh viện Cao Lãnh sang trang từ đó.
Tháng 2/1976, sau khi Ban Dân Y khu 8 giải thể, đồng chí Lê Trung Sơn được cử về làm Bệnh viện Trưởng Cao Lãnh. Do yêu cầu phục vụ của nhân dân với tình hình phát triển tỉnh nhà, UBND Tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số 746/QĐ.78 ngày 24/7/1978 đổi Bệnh viện Cao Lãnh thành Bệnh viện Đồng Tháp và có hướng xây dựng thành Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tỉnh Đồng Tháp.
Năm 1984 Bệnh viện được dời về số 144 Mai Văn Khải ấp 3 xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh cho đến nay.
Ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 451/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, theo đó đầu tư xây dựng mới hoàn toàn Bệnh viện với quy mô 700 giường.